Thị trường nhà đất Hà Nội hạ nhiệt
Sau cơn sốt đẩy giá tăng tới 30-40%, thị trường địa ốc Hà Nội đang dần hạ nhiệt, giao dịch chững lại và giá cũng có xu hướng đi xuống. >Chen nhau mua chung cư Hà Nội / Giá đất đã bị thổi lên 30-50 lần
Theo khảo sát của VnExpress.net, một loạt dự án đình đám trở thành tâm điểm của thị trường hồi tháng 10 đến nay đã bắt đầu chững lại. Nhiều sàn giao dịch giảm 60-80%, cá biệt một số sàn từ đầu tháng đến nay gần như không mua bán. Ông Nguyễn Văn Trọng, sàn giao dịch Detech Land cho hay, đất nền và chung cư đều ở trạng thái giữ hoặc giảm giá.
Một số dự án như Kim Chung- Di Trạch, Tân Tây Đô, Cienco 5... đều đang ở trạng thái án binh bất động, không có người hỏi mua mặc dù giá giảm từ 500.000 đến 1 triệu đồng mỗi m2. Tiêu biểu là dự án kim Chung - Di Trạch, giảm 1 triệu mỗi m2. Dự án Tân Tây Đô còn khoảng 21-25 triệu, giảm 500.000 đồng so với tháng trước.
|
Chưng cư Hà Nội rơi vào trạng thái "giữ giá". Ảnh: Hoàng Hà. |
Hàng loạt các dự án đất nền một thời hút khách với giá tăng chóng mặt giờ lơ lửng không lên không xuống. Tiêu biểu là dự án Cienco 5, kể từ đầu tháng vẫn giữ giá 11-11,5 triệu mỗi m2. Geleximco ở mức 32,5 triệu đồng, khu C Dương Nội khoảng 25 triệu, Vân Canh "thủ thế" ở 24 triệu đồng.
Phân khúc chung cư hơn 2 tuần qua cũng rơi vào trạng thái tương tự. Một loạt khu gây sức hút lên thị trường trong tháng trước đã nhanh chóng rơi vào trạng thái bão hòa. Người mua không còn sẵn sàng dốc tiền chi trả những khoản chênh lớn cho các suất trao tay. Tiêu biểu phải kể đến chung cư Dương Nội, giá từng chênh với gốc khoảng 200 triệu đồng, qua hai đợt chào bán mức chênh chỉ còn 50- 60 triệu đồng. Nhiều trường hợp khách hàng bán tháo để thu hồi vốn. Khu đô thị Đại Mỗ thuộc huyện Từ Liêm- Hà Nội, trước đó chênh 150- 200 triệu đồng nay chỉ còn khoảng 40- 50 triệu mỗi căn. No5 Đông Nam Trần Duy Hưng chênh khoảng 1,2 tỷ đồng, nay hạ nhiệt chỉ còn một nửa. Tại Bắc An Khánh, một thời đình đám với mức chênh 1,8 -2,1 tỷ đồng đến nay giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 1 tỷ.
Theo một số nhà đầu tư, thị trường nhà đất Hà Nội năm nay rơi vào trạng thái "nghỉ hưu sớm", tuy nhiên, trước diễn biến khó lường, nhiều chuyên gia cho rằng địa ốc có thể bật dậy bất cứ lúc nào.
Ông Lê Hữu Tuấn, Công ty Bất động sản Vina Thăng Long, nhận định đây là một hiện tượng lạ của thị trường địa ốc. Giao dịch nhà đất thường sôi động vào cuối năm bởi chủ đầu tư đua nhau xả hàng đón đầu cơ hội vào năm mới. Khách hàng cũng hò nhau đi mua do có nhiều nguồn tiền lãnh từ tiết kiệm hoặc lương, thưởng. Tuy nhiên, trước sức tăng quá nóng của thị trường, nhiều người tỏ ra lo ngại, thận trọng trong việc mua bán hơn.
Trước đó, chỉ trong vòng một tuần, giá đất có thể lên tới 1-2 triệu mỗi m2. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11, lượng giao dịch trầm hẳn, các suất chào qua tay được rao bán với giá gốc. Lý giải hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, cách đây hai tháng, lượng chung cư tung ra nhỏ giọt dẫn đến khách hàng đổ xô đi mua. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều nhà đầu tư đua nhau xả hàng và tự đẩy giá đất lên cao dẫn đến nguồn cung chung cư bị bão hòa. "Trước sức tăng quá nóng, giá đất bị đẩy lên cao đến 30-40%, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Khách hàng buộc phải nghe ngóng chờ giá đất giảm mới đầu tư. Số khác lướt sóng, buộc phải bán tháo khi đến kỳ hạn góp vốn. Điều này dẫn đến giá nhà đất giảm", ông Trọng nói.
Cũng trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay chứng khoán, bất động sản… làm tâm lý nhà đầu tư xao động. Trước sức tăng quá nóng của thị trường địa ốc, động thái thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước gây ra hiện tượng hãm cung tiền, vốn đổ vào bất động sản bị hạn chế.
Trước sự "đỏng đảnh" lên xuống thất thường của của thị trường địa ốc Hà Nội, một số chuyên gia lo ngại, kịch bản năm nay sẽ bị lặp lại năm 2007. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường, diễn biến kịch bản năm nay sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Ông Võ phân tích, địa ốc năm 2007 sốt trên cả nước kéo dài từ Bắc đến Nam, đặc biệt là cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Đến quý 1/2008, thị trường dần đi xuống. Trong khi đó, cuối năm nay, địa ốc chỉ sốt ở một số phân khúc tại Hà Nội. "Thị trường phát triển đến một mức nhất định sẽ diễn biến phức tạp. Rất khó để kiểm soát tình hình địa ốc khi gói kích cầu thứ hai còn chưa biết hình thù", ông Võ nhận định. |